Các phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm

Thông tư số 28/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương vừa được ban hành quy định về phương thức, nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra và tổ chức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu.

Cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm

Các sản phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương bao gồm:

  • Rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo và bao bì chứa đựng các sản phẩm trên.

4 phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu:

  • Phương thức kiểm tra chặt, cơ quan kiểm tra sẽ lấy mẫu xác suất hoặc lấy tại các điểm nghi ngờ để kiểm nghiệm, đánh giá toàn diện an toàn thực phẩm đối với tất cả các lô sản phẩm của cùng lô hàng.
  • Kiểm tra giảm (chỉ lấy mẫu đại diện để kiểm tra việc ghi nhãn, tính đồng nhất của lô hàng nhập khẩu về xuất xứ, số lô mà không phải kiểm nghiệm mẫu để đối chiếu với hồ sơ) được áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm đã có dấu hợp quy; thực phẩm cùng loại, cùng xuất xứ với mẫu chào hàng đã kiểm nghiệm đạt yêu cầu nhập khẩu…
  • Kiểm tra giảm chỉ kiểm tra hồ sơ là việc chỉ nhận và kiểm tra hồ sơ đăng ký kiểm tra, không lấy mẫu sản phẩm. Các lô hàng thuộc diện chỉ kiểm tra hồ sơ có thể được kiểm tra đột xuất bằng phương thức khác nếu thấy có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm.
  • Các trường hợp còn lại sẽ áp dụng phương thức kiểm tra thông thường. Theo đó, cơ quan kiểm tra sẽ lấy mẫu xác suất (ngẫu nhiên) đủ để kiểm tra cảm quan và kiểm nghiệm một số chỉ tiêu chỉ điểm chất lượng, an toàn thực phẩm.

Chú ý: Cơ quan kiểm tra là cơ sở kiểm nghiệm được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện chức năng kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2013.