1. Chữ ký số là gì
Trong các giao dịch truyền thống, chúng ta vẫn sử dụng giấy tờ, công văn cùng với chữ ký và con dấu. Việc giao dịch, trao đổi thông tin trên môi trường internet cũng cần có một cơ chế tương tự và chữ ký số được sử dụng để phục vụ cho môi trường này. Khác với chữ ký thường có thể phải mất nhiều thời gian để giám định khi cần thiết, chữ ký số có thể được giám định, xác nhận nhanh với các công cụ điện tử. Cũng thế, chứng thực số là một dịch vụ trên internet tương tự như việc công chứng trên giấy tờ, văn bản thông thường. Cụ thể, chữ ký số là một giải pháp công nghệ đảm bảo tính duy nhất cho một người khi giao dịch thông tin trên mạng, đảm bảo các thông tin cung cấp là của người đó.
Như vậy, liên quan đến vấn đề này có 3 yếu tố: chữ ký số, chứng thư số và chứng thực số. Chữ ký số do người sử dụng tạo ra sau khi được nhà cung cấp dịch vụ cung cấp chứng thư số. Chứng thực số được sử dụng để các đối tác của người sử dụng biết và xác định được chữ ký, chứng thư của mình là đúng.
2. Ứng dụng chữ ký số.
Việc trao đổi, giao dịch của các cá nhân, DN qua mạng ngày càng phổ biến. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, thống kê của Bộ Thông tin – Truyền thông cho thấy giao dịch điện tử phát triển khá mạnh với hơn 9.000 website, doanh thu từ mua sắm trực tuyến, điện thoại… lên tới 450 triệu USD/năm. Bên cạnh đó, Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách hành chính với việc thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử nên nhu cầu về chứng thực số ở VN rất lớn.
Chữ ký số sẽ giúp cho các giao dịch giữa công dân, DN và nhà nước thuận tiện và đảm bảo hơn. Ví dụ: người dân có thể kê khai, nộp thuế và chuyển tiền trực tiếp qua mạng, DN có thể xây dựng hệ thống mua bán trực tuyến, đảm bảo việc thanh toán qua hệ thống với chứng thư đã được xác nhận, các DN ở các địa phương cũng có thể ký kết hợp đồng qua mạng thay vì phải gặp nhau trực tiếp như hiện nay… Hiện đã có nhiều bộ, ngành triển khai các dịch vụ công trực tuyến có sử dụng chữ ký số: Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…