Kinh doanh sản xuất thực phẩm nói chung và sản xuất thực phẩm thuộc quản lý Bộ Công thương nói riêng là ngành nghề kinh doanh phải đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm. Bravolaw xin chia sẻ tới quý bạn đọc Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất.
Bài viết mới:
- Dịch vụ xin giấy phép quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe
- Dịch vụ xin giấy phép kinh doanh Uy tín tốt nhất trên thị trường
- Cơ sở nào phải xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Các cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc đối tượng phải đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm
Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ các cơ sở sau đây:
– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
– Sơ chế nhỏ lẻ;
– Sản xuất dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
– Nhà hàng trong khách sạn;
– Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
– Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất
Điều kiện chung để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất
– Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất thực phẩm.
Điều kiện cụ thể:
a) Đối với cơ sở sản xuất
Địa điểm, môi trường:
– Có đủ diện tích để bố trí khu vực sản xuất thực phẩm, các khu vực phụ trợ và thuận tiện cho hoạt động sản xuất, bảo quản và vận chuyển thực phẩm;
– Khu vực sản xuất, bảo quản thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước;
Thiết kế, bố trí nhà xưởng:
– Quy trình sản xuất thực phẩm phải được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng;
– Khu vực kho nguyên liệu, kho thành phẩm; khu vực sơ chế, chế biến, đóng gói thực phẩm; khu vực vệ sinh; khu thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan phải được thiết kế tách biệt. Nguyên liệu, thành phẩm thực phẩm, vật liệu bao gói thực phẩm, phế thải phải được để riêng biệt;
– Đường nội bộ phải được xây dựng bảo đảm vệ sinh; cống rãnh thoát nước thải phải được che kín, bảo đảm vệ sinh;
– Nơi tập kết, xử lý chất thải phải ở ngoài khu vực nhà xưởng sản xuất thực phẩm và bảo đảm vệ sinh
Kết cấu nhà xưởng:
– Tường nhà phẳng, sáng màu, không bị thấm nước, không bị rạn nứt, không bị dính bám các chất bẩn và dễ làm vệ sinh; trần nhà phẳng, sáng màu, không bị dột, thấm nước, rạn nứt, dính bám các chất bẩn và dễ làm vệ sinh;
– Nền nhà phẳng, nhẵn, chịu tải trọng, không gây trơn trượt, thoát nước tốt, không thấm, đọng nước và dễ làm vệ sinh;
– Cửa ra vào, cửa sổ nhẵn, ít thấm nước, kín, phẳng thuận tiện làm vệ sinh, bảo đảm tránh được côn trùng, vật nuôi xâm nhập;
Hệ thống thông gió:
– Hướng gió của hệ thống thông gió phải bảo đảm không được thổi từ khu vực có nguy cơ ô nhiễm sang khu vực có yêu cầu sạch.
Hệ thống chiếu sáng:
– Bảo đảm theo quy định để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm;
Hệ thống cung cấp nước:
– Bảo đảm đủ nước sạch để sản xuất thực phẩm và phù hợp với quy định về chất lượng nước ăn uống;
– Các nguồn nước do cơ sở khai thác, xử lý và sử dụng phải được kiểm tra và bảo đảm phù hợp với quy định về chất lượng, vệ sinh ít nhất 6 tháng/lần
Hơi nước và khí nén:
– Hơi nước, khí nén sử dụng cho sản xuất thực phẩm phải bảo đảm sạch, an toàn, không gây ô nhiễm cho thực phẩm;
– Nước dùng để sản xuất hơi nước, làm lạnh, phòng cháy, chữa cháy hay sử dụng cho mục đích khác phải có đường ống riêng, màu riêng để dễ phân biệt và không được nối với hệ thống nước sử dụng cho sản xuất thực phẩm.
Hệ thống xử lý chất thải, rác thải:
– Có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải; dụng cụ được làm bằng vật liệu chắc chắn, bảo đảm kín, có nắp đậy, có khóa (nếu cần thiết). Dụng cụ chứa đựng chất thải nguy hiểm phải được thiết kế đặc biệt, dễ phân biệt, khi cần có thể khóa để tránh ô nhiễm;
Nhà vệ sinh, khu vực thay đồ bảo hộ lao động:
– Nhà vệ sinh phải được bố trí riêng biệt với khu vực sản xuất thực phẩm; cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực sản xuất; ít nhất phải có 01 nhà vệ sinh cho 5 người;
– Thông gió bố trí phù hợp, bảo đảm không được thải từ nhà vệ sinh sang khu vực sản xuất; thoát nước thải phải dễ dàng và bảo đảm vệ sinh. Có bảng chỉ dẫn “Rửa tay sau khi đi vệ sinh” ở vị trí dễ nhìn, dễ thấy tại khu vực vệ sinh;
– Có phòng thay trang phục bảo hộ lao động trước và sau khi làm việc.
b) Đối với trang thiết bị, dụng cụ:
Trang thiết bị, dụng cụ:
-Tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải bảo đảm an toàn, không gây ô nhiễm thực phẩm, dễ làm sạch, khử trùng, bảo dưỡng. Trang thiết bị, dụng cụ sản xuất di động phải bền, dễ di chuyển, tháo lắp và làm vệ sinh.
Phương tiện rửa và khử trùng tay:
– Có đủ trang thiết bị rửa tay, khử trùng tay, ủng; giầy, dép trước khi sản xuất thực phẩm;
– Nơi rửa tay phải có đủ nước sạch, nước sát trùng, khăn hoặc giấy lau tay sử dụng một lần hay máy sấy khô tay;
Thiết bị, dụng cụ sản xuất thực phẩm:
– Được chế tạo bằng vật liệu không độc, ít bị mài mòn, không bị han gỉ, không thôi nhiễm các chất độc hại, không gây mùi lạ hay làm biến đổi thực phẩm;
– Dễ làm vệ sinh, bảo dưỡng; không làm nhiễm bẩn thực phẩm do dầu mỡ bôi trơn, mảnh vụn kim loại;
Phòng chống côn trùng và động vật gây hại:
– Trang thiết bị phòng chống côn trùng và động vật gây hại phải được làm bằng các vật liệu không gỉ, dễ tháo rời để làm vệ sinh, thiết kế phù hợp, đảm bảo phòng chống hiệu quả côn trùng và động vật gây hại;
Thiết bị dụng cụ giám sát, đo lường:
– Có đủ thiết bị, dụng cụ giám sát chất lượng, an toàn sản phẩm và phải đánh giá được các chỉ tiêu chất lượng, an toàn sản phẩm chủ yếu của thực phẩm. Thiết bị, dụng cụ, phương tiện đo phải bảo đảm độ chính xác trong quá trình sử dụng, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật về đo lường;
Chất tẩy rửa và sát trùng:
– Phải được đựng trong bao bì dễ nhận biết, có hướng dẫn sử dụng và không để ở nơi sản xuất thực phẩm.
c) Đối với người trực tiếp sản xuất thực phẩm
- Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo Bộ Công Thương quy định.
- Chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm bảo đảm yêu cầu về sức khỏe khi tham gia sản xuất thực phẩm; đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của cơ quan có thẩm quyền, người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được cấy phân và phải có kết quả âm tính với tác nhân gây dịch bệnh tiêu chảy này và vi khuẩn tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn; việc xét nghiệm do các cơ sở y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện. Đối với các cơ sở thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải được khám sức khỏe, được cấp Giấy xác nhận đủ sức khỏe theo quy định.
- Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh như Lao tiến triển, tiêu chảy cấp tính, bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan vi rút A hoặc E cấp tính, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm da nhiễm trùng cấp không được tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm.
- Người trực tiếp sản xuất thực phẩm phải mang trang phục bảo hộ riêng, đội mũ, đi găng tay chuyên dùng và đeo khẩu trang.
- Người tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất thực phẩm phải tuân thủ các quy định về thực hành vệ sinh: (móng tay ngắn, sạch sẽ và không đeo nhẫn, ….)
Đối với bảo quản thực phẩm trong sản xuất thực phẩm
- Nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm phải được đóng gói và bảo quản ở vị trí cách nền tối thiểu 12 cm, cách tường tối thiểu 30 cm và cách trần tối thiểu 50 cm.
- Có trang thiết bị điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và các yếu tố ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm; có thiết bị chuyên dụng phù hợp để kiểm soát và theo dõi được chế độ bảo quản đối với từng loại thực phẩm, nguyên liệu theo yêu cầu của nhà sản xuất; dễ bảo dưỡng và làm vệ sinh.
- Nước đá dùng trong bảo quản trực tiếp thực phẩm phải được sản xuất từ nguồn nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật.
Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất thực phẩm còn phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
– Đối với cơ sở sản xuất sữa chế biến: Mục 4, Chương VI Nghị định 77/2016/NĐ-CP
– Đối với cơ sở sản xuất bia: Mục 5, Chương VI Nghị định 77/2016/NĐ-CP
– Đối với cơ sở sản xuất dầu thực vật: Mục 6, Chương VI Nghị định 77/2016/NĐ-CP
Thủ tục xin cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Hồ sơ đề nghị gồm:
Hồ sơ Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong lĩnh vực công thương theo Thông tư 43/2018/TT-BCT gồm:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm ;
- Giấy xác nhận đủ sức khỏe/Danh sách tổng hợp xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp (bản sao có xác nhận của cơ sở);
- Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm/Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).
2. Nơi nộp hồ sơ:
Phụ thuộc công suất sản xuất, thiết kế và phạm vi hoạt động mà cơ quan có thẩm quyền giản quyết là Sở công thương nơi đặt cơ sở sản xuất hoặc Bộ Công thương.
3. Thời hạn giải quyết:
– Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ: Trong thời gian 05 ngày làm việc.
Quá 30 ngày kể từ ngày thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ mà cơ sở không có phản hồi thì hồ sơ không còn giá trị.
– Thành lập Đoàn thẩm định thực tế tại cơ sở: Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
– Cấp Giấy chứng nhận: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định thực tế tại cơ sở là “Đạt”.0
Trên đây là nội dung chia sẻ của Bravolaw về Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho cơ sở sản xuất thuộc lĩnh vực công thương. Nếu bạn có bất kỳ thắc nào cần được Bravolaw tư vấn giải đáp thì hãy nhấc máy gọi điện cho chúng tôi qua tổng đài: 1900.6296 nhé!